Bình luận

Kết thúc tháng 2, cùng TP Academy nhìn lại tổng quan về thị trường ngoại hối và chứng khoán quốc tế trong tháng vừa rồi. Và cập nhật nhanh tin tức cho ngày đầu tháng mới để có kế hoạch giao dịch cho phù hợp nhé. Chúc quý nhà đầu tư tháng mới tràn đầy năng lượng !

1. Dữ liệu kinh tế

Bắc Mỹ

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất tại Mỹ trong tháng 2 được dự báo đạt mức 48, tăng nhẹ so với mức 47,4 trong tháng 1. Việc chỉ số nằm dưới ngưỡng 50 cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ dù đã ghi nhận tín hiệu cải thiện, nhưng vẫn nằm trong khu vực thu hẹp hoạt động, do áp lực từ lạm phát cao và lãi suất tăng

Châu Âu

Tỷ lệ lạm phát tại Đức trong tháng 2 được dự báo tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 8,7% trong tháng 1. Kết quả này sẽ là dấu hiệu cho thấy các nỗ lực tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm hạ nhiệt áp lực lạm phát đã dần có kết quả. Tuy nhiên, với việc tỷ lệ lạm phát vẫn vượt xa mức mục tiêu 2% của ECB, các nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Thị trường việc làm tại Đức được dự báo ghi nhận những tín hiệu hạ nhiệt, với tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 5,5% trong tháng 1 lên 5,6% trong tháng 2. Tuy nhiên, số việc làm được dự báo tăng 11 nghìn vị trí, sau khi đã giảm 15 nghìn vị trí trong tháng 1, cho thấy thị trường lao động vẫn khá vững vàng.

Châu Á

Chỉ số PMI sản xuất tháng 2 tại Trung Quốc được dự báo đạt mức 50,5, cao hơn mức 50,1 trong tháng 1, đánh dấu tháng mở rộng hoạt động thứ hai liên tiếp. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiếp đà phục hồi tốt sau khi các chính sách phòng dịch COVID-19 dần được nới lỏng.

Chỉ số PMI sản xuất theo khảo sát độc lập của Caixin (chủ yếu tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ) cũng được dự báo cải thiện đáng kể từ mức 49,2 trong tháng 1 lên 50,2 trong tháng 2. Điều này cho thấy, sự phục hồi của ngành sản xuất tại Trung Quốc đang diễn ra khá đồng đều và rộng khắp các lĩnh vực, nhóm doanh nghiệp.

Các số liệu vừa công bố cho thấy, GDP của Australia trong quý IV/2022 đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, đúng với dự kiến của giới chuyên gia, và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 5,9% trong quý III. Xét theo mức tăng hàng quý, GDP của Australia đạt mức tăng trưởng 0,5% - thấp hơn mức dự báo 0,8% và mức 0,6% trong quý III. Điều này cho thấy các đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) và tỷ lệ lạm phát cao đang có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

2. Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Ba (28/02) và khép lại một tháng đầy khó khăn đối với thị trường chứng khoán

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 0.7% xuống 32,656.70 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0.3% còn 3,970.15 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0.1% xuống 11,455.54 điểm.

Mặc dù có khởi đầu năm đầy mạnh mẽ, nhưng cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận sụt giảm trong tháng 2. Dow Jones sụt 4.19% trong tháng này và mất 1.48% từ đầu năm đến nay. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 2.61% và 1.11% trong tháng 2, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng từ đầu năm.

Cổ phiếu TSLA giảm 0.92% xuống còn 205.72$/cp. TSLA đã tăng hơn 18% trong tháng 2 và nhảy vọt hơn 70% từ đầu năm. Đà leo dốc ngoạn mục này cũng đã đưa CEO của họ là Elon Musk lấy lại vị trí đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất thế giới

Các cổ phiếu hàng đầu khác cũng giảm điểm trong phiên hôm qua: NVDA giảm 1.21% còn 232.16$/cp, APPL giảm 0.34% còn 147.4$/cp, MSFT giảm 0.3% xuống 249.4$/cp

3. Thị trường Vàng - Dầu

Giá dầu tăng mạnh nhờ những hy vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc lấn át những lo ngại về việc lãi suất của Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tăng 1.8% lên 83.39 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tăng 1.8% lên 77.05 USD/thùng.

Trong tháng 2, cả 2 hợp đồng đều ghi nhận mức sụt giảm khá đáng kể do những lo ngại về việc tăng lãi suất của fed cũng như vấn đề nguồn cung. giá dầu Brent giảm 0.7%, còn giá dầu WTI giảm 2.5%.

Kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc đã củng cố đà tăng giá dầu, với việc thị trường đang chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trong trong 2 ngày tới. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trong tháng 2.

Các chuyên gia phân tích của JPMorgan chia sẻ: “Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hoá tăng cao, trong đó dầu được cho là hưởng lợi nhiều nhất”.

Giá vàng tăng mạnh trong phiên hôm qua, nhưng vẫn ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2021 vì đồng USD mạnh hơn và lo ngại về khả năng nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không đem lại lợi suất.

Kết phiên, hợp đồng vàng giao ngay tăng 0.6% lên 1,828.28 USD/oz, trước đó đã chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2022 là 1,804.20 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai tăng 0.7% lên 1,836.70 USD/oz. oz.

Vàng đã sụt hơn 5% từ đầu tháng đến nay sau khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đã thúc đẩy kỳ vọng nâng lãi suất nhiều hơn. Trong vài tuần tới, đồng USD và lợi suất Mỹ có thể giảm và hỗ trợ vàng, sau đó giá có thể sẽ giảm (do Fed tiếp tục nâng lãi suất) và rơi xuống mức 1,700 USD/oz.

4. Ngoại hối

Chỉ số đồng đô la mỹ (DXY) tăng 0.3% lên 105.95 điểm trong phiên cuối tháng. Ghi nhận tháng tăng đầu tiên sau 4 tháng giảm liên tiếp.

Các dữ liệu quan trọng để đánh giá lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này có thể sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh cho đồng đô la

Tỷ giá 1 số cặp tiền sau phiên 28/02:

EURUSD: - 0.35%

GBPUSD: - 0.36%

USDCAD: + 0.53%. GDP giảm trong tháng này là nguyên nhân làm đồng đô la canada yếu hơn

USDCHF: + 0.68% Khi DXY tăng và dữ liệu GDP quý IV của Thụy Sỹ thấp hơn dự báo, làm cho đồng Franc suy giảm trong ngắn hạn

Theo dõi các video bản tin thị trường và chiến lược giao dịch tại: https://www.youtube.com/@TPACADEMYchannel