Bình luận

Tổng hợp tin tức cho ngày 18/04, cùng TP Academy cập nhật nhanh bản tin thị trường ngoại hối và chứng khoán quốc tế trong ngày hôm nay, từ đó có kế hoạch giao dịch cho phù hợp nhé !


1. Dữ liệu kinh tế

Bắc Mỹ

Số giấy phép xây dựng được cấp tại Mỹ trong tháng 3 theo ước tính sơ bộ dự kiến sẽ đạt 1,45 triệu – thấp hơn so với mức 1,55 triệu trong tháng 2. Kết quả này sẽ cho thấy thị trường bất động sản Mỹ hiện vẫn đang phải đối mặt với sức ép lớn khi lạm phát cao và lãi suất tăng tiếp tục kìm hãm nhu cầu của người mua nhà.

Tại Canada, tỷ lệ lạm phát trong tháng 3 được dự báo tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức 5,2% trong tháng 2. Tỷ lệ lạm phát cốt lõi (đã loại bỏ những mặt hàng có giá biến động cao như lương thực thực phẩm và nhiên liệu) cũng được dự báo hạ nhiệt, nhưng ở mức nhẹ hơn, giảm từ mức 4,7% trong tháng 2 xuống còn 4,4% trong tháng 3. Kết quả này cho thấy, các nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) nhằm kiềm chế đà leo thang giá cả, đã dần có hiệu lực. Hiện BOC đã tạm dừng tăng lãi suất để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế, dù tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%. Giới chức BOC tin tưởng, các đợt tăng lãi suất mạnh tay trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2023 là đủ mạnh để kiểm soát lạm phát.

Còn nếu CPI có dấu hiệu tăng trở lại thì việc cân nhắc tăng lãi suất là không thể tránh khỏi

Châu Âu

Viện Nghiên cứu Kinh tế ZEW sẽ công bố kết quả khảo sát chỉ số tâm lý kinh tế tháng 4 tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Đức. Dự kiến, chỉ số tâm lý kinh tế tại Eurozone sẽ tăng từ mức 10 trong tháng 3 lên 13 trong tháng 4. Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, chỉ số này cũng dự kiến ghi nhận sự cải thiện từ mức 13 trong tháng 3 lên 15,3 trong tháng 4. Đây là dấu hiệu cho thấy bầu không khí tại châu Âu đã trở nên lạc quan hơn trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, và nền kinh tế có triển vọng tránh được suy thoái trong năm nay.

Tại Vương quốc Anh, thị trường việc làm được dự báo vẫn ổn định. Số người nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp được dự báo sẽ tăng 10.200 đơn sau khi giảm 11.200 trong tháng 2. Trong khi đó, thu nhập trung bình 3 tháng gần nhất giảm từ 5.7% trong tháng 2 xuống còn 5.1% trong tháng 3.

Thị trường việc làm ở Anh đang hạ nhiệt, mặc dù chậm. Số lượng nhà tuyển dụng đề xuất cắt giảm nhân sự đã tăng lên trong năm nay và số lượng vị trí tuyển dụng đã giảm.

Phải thừa nhận rằng thị trường việc làm không phải là nơi để tìm kiếm những dấu hiệu kịp thời về sự yếu kém của nền kinh tế .Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho Ngân hàng Trung ương Anh -  được Nhà kinh tế học Huw Pill đặt ra trong tuần này - là liệu tăng trưởng tiền lương có giảm đáng kể ngay cả khi thị trường việc làm không suy giảm rõ rệt hay không.

Châu Á

Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới công bố số liệu GDP quý I. Các chuyên gia đang đưa ra nhiều ước tính khác nhau, khi dự đoán GDP của Trung Quốc có thể tăng từ 3,8 – 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 2,9% trong quý IV/2023.

Các số liệu về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp đều được dự báo sẽ có sự cải thiện, trong khi đầu tư tài sản cố định có thể giảm tốc nhẹ. Các báo cáo sắp công bố sẽ cung cấp cho thị trường cái nhìn rõ nét hơn về mức độ phục hồi thực sự của nền kinh tế Trung Quốc sau khi các chính sách phòng dịch zero-COVID được dỡ bỏ.

2. Chứng khoán Mỹ

Phố wall khởi đầu tuần mới bằng 1 phiên tăng điểm, khi nhà đầu tư đón nhận loạt kết quả lợi nhuận doanh nghiệp mới nhất, tìm kiếm manh mối về tình hình sức khoẻ các doanh nghiệp Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 0.33% lên 4,151.32 điểm, chỉ số Dow Jones tăng 100.71 điểm (tương đương 0.3%) lên 33,987.18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.28% lên 12,157.72 điểm.

NĐT đang theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ các công ty tài chính trong mùa báo cáo lợi nhuận này sau khi vụ phá sản của Silicon Valley Bank hồi tháng trước đã gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản và làm rung chuyển thị trường.

Khi các doanh nghiệp vật lộn với lạm phát khó khăn và lãi suất cao hơn, nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị đối mặt với một mùa báo cáo lợi nhuận ảm đạm, nhưng dữ liệu từ Bank of America cho thấy các doanh nghiệp cho đến nay đang ổn. Trong số những doanh nghiệp đã báo cáo trong tuần đầu tiên, 90% số này có EPS vượt kỳ vọng. Đây là tỷ lệ tốt nhất để bắt đầu mùa báo cáo lợi nhuận kể từ ít nhất là năm 2012.

5 cổ phiếu thay đổi nhiều sau phiên 17/04

Cổ phiếu

Thay đổi

Giá hiện tại

Moderna, Inc. (MRNA)

-8,36%

143,97 USD

HP Inc. (HPQ)

+3,72%

30,93 USD

Morgan Stanley (MS)

+2,98%

89,29 USD

Bank of America Corporation (BAC)

+2,88%

30,37 USD

Alphabet Inc. (GOOG)

-2,75%

106,45 USD

3. Ngoại hối

Chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) tăng 0.51% lên 102.1 điểm, kéo dài mức tăng từ thứ Sáu sau khi Thống đốc Waller kêu gọi ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhiều hơn, bất chấp những dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát đang cho dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế trong tuần trước bắt đầu lấp đầy bức tranh về nền kinh tế Mỹ đang mất động lực, làm gia tăng dự báo rằng lần nâng lãi suất tiếp theo của Fed sẽ là lần cuối cùng.

Công cụ CME FedWatch cho thấy các thị trường đang định giá khả năng 85% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5, sau đó là khả năng 2:3 Fed sẽ tạm dừng trong tháng 6.

Tỷ giá 1 số cặp tiền sau phiên 17/04: 

EURUSD: - 0.6%

GBPUSD: - 0.22%

USDJPY: + 0.46%

USDCAD: + 0.27%

USDCHF: + 0.52%

4. Thị trường kim Vàng - Dầu

Giá vàng giảm xuống dưới mốc quan trọng 2,000 USD/oz vào ngày thứ Hai (17/4), chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn, trong khi nhà đầu tư tìm kiếm tín hiệu về việc liệu thị trường có chứng kiến đợt nâng lãi suất cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 5 hay không.

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay giảm 0.4% xuống 1,995.80 USD/oz, sau khi tăng 0.6% vào đầu phiên. Hợp đồng vàng tương lai mất 0.44% còn 2,007 USD/oz.

Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu tăng, cùng với một số động thái chốt lời từ đã tăng gần đây đang gây áp lực lên vàng.

Xu hướng của vàng vẫn là tăng và “tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy vàng đạt mức cao kỷ lục mới trong những tuần tới”, ông Wyckoff nói thêm.

Tương tự như vàng, dầu cũng bị mất giá khi đồng USD hồi phục và lo ngại việc Fed nâng lãi suất thêm 1 lần vào tháng 5 sẽ làm giảm hy vọng phục hồi kinh tế.

Khép phiên giao dịch, Hợp đồng dầu Brent giảm 1.8% xuống 84.76 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2.05% còn 80.83 USD/thùng.

Nhà đầu tư đang dự báo rằng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 5 thêm 25 điểm cơ bản và đẩy lùi kỳ vọng hạ lãi suất vào cuối năm nay, điều thường xảy ra trong thời kỳ suy thoái.

Trong khi đó, việc công bố dữ liệu GDP quý 1 của Trung Quốc vào sáng nay cũng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến giá hàng hoá, khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn mức tăng trưởng nhu cầu năm 2023.

Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo trong báo cáo định kỳ hàng tháng rằng việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất OPEC+ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm nay và có thể làm tổn hại người tiêu dùng cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo dõi các video bản tin thị trường và chiến lược giao dịch tại: https://www.youtube.com/@TPACADEMYchannel