Tổng hợp tin tức cho ngày 20/01 hãy cùng TP Academy cập nhật nhanh bản tin thị trường ngoại hối và chứng khoán quốc tế ngày hôm nay. Từ đó có kế hoạch giao dịch cho phù hợp nhé !
1. Dữ liệu Kinh tế
Bắc Mỹ
Dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 11 của Canada được dự báo giảm 0.5% sau khi tăng 1.4% trong tháng trước. Trong khi doanh số bán lẻ lõi được dự báo giảm 0.4% so với mức tăng 1.7% trước đó
Doanh số bán nhà hiện có của Mỹ: Con số được dự báo là 3.95M, thấp hơn 4.09M của tháng trước
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi bài phát biểu của các quan chức fed trong hôm nay để dự đoán bước đi tiếp theo của họ
Châu Âu
Theo khảo sát của Gfk, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Anh trong tháng 1 đã bất ngờ giảm mạnh xuống mức -45, thấp hơn mức -42 của tháng 12/2022 và kém xa mức dự báo -40 của giới chuyên gia. Tâm lý người tiêu dùng Anh vẫn đang chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, các đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và triển vọng ảm đạm của nền kinh tế.
Việc tâm lý người tiêu dùng trở nên bi quan hơn nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động chi tiêu mua sắm trong những tháng đầu năm. Hiện các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào một sự phục hồi nhẹ của ngành bán lẻ trong tháng 12 năm ngoái, với doanh số bán lẻ đạt mức tăng theo tháng là 0,5% sau khi đã giảm 0,4% trong tháng 11.
Lúc 17h( theo giờ Việt Nam) Chủ tịch NHTW châu Âu Lagarde sẽ có bài phát biểu. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các bài phát biểu của bà vì chúng có thể chứa ẩn những thông tin liên quan đến sự thay đổi của chính sách tiền tệ và lãi suất trong thời gian tới.
Châu Á
Các số liệu vừa công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản trong tháng 12 đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đúng như dự kiến của giới chuyên gia, và cao hơn so với mức tăng 3,8% của tháng 11. Áp lực lạm phát gia tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm qua, chủ yếu được thúc đẩy bởi giá năng lượng và lương thực thực phẩm tăng cao, đang gây sức ép lớn lên các doanh nghiệp và người dân Nhật Bản. Điều này cũng làm gia tăng áp lực lên Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), buộc cơ quan này phải thay đổi chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Mới đây nhất, trong cuộc họp chính sách hồi đầu tuần, BOJ vẫn khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
2. Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Năm (19/01), khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất bất chấp những dấu hiệu lạm phát suy yếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones giảm 252.40 điểm (tương đương 0.76%) xuống 33,044.56 điểm, ghi nhận 3 phiên giảm liên tiếp và xoá sạch mức tăng từ đà leo dốc năm mới. Chỉ số này hiện giảm 0.31% từ đầu năm 2023 đến nay.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 0.76% xuống 3,898.85 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite mất 0.96% còn 10,852.27 điểm. Cả 2 chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng từ đầu năm 2023 đến nay.
Cả 3 chỉ số chính đều hướng đến ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần. Dow Jones giảm 3.67% và trên đà ghi chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. S&P 500 và Nasdaq Composite đều mất hơn 2% từ đầu tuần đến nay.
Các cổ phiếu hàng đầu của Mỹ cũng đồng loạt giảm giá : Tesla giảm 1.25% xuống 127.17$/cp, NVIDIA giảm 3.52% xuống 167.65$/cp, MSFT giảm 1.65% xuống 231.93$/cp, AMZN giảm 1.86% xuống 93.68$/cp
3. Thị trường Vàng - Dầu
Giá dầu tăng hơn 1% vào ngày thứ Năm (19/01), nới rộng đà phục hồi gần đây được hình thành nhờ sự gia tăng nhu cầu ở Trung Quốc, trong khi thị trường bỏ qua thông tin dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh 2 tuần liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tăng 1.18 USD (tương đương 1.4%) lên 86.16 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tăng 0.85 USD (tương đương 1.1%) lên 80.33 USD/thùng. Đó là mức đóng cửa cao nhất của cả 2 hợp đồng dầu kể từ ngày 01/12/2022.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng gần 1 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó lên 15.41 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2022, mức cao nhất kể từ tháng 02/2022, theo số liệu xuất khẩu mới nhất được công bố.
Các thị trường năng lượng có thể khan hiếm hơn trong năm 2023, đặc biệt nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol chia sẻ vào ngày thứ Năm.
Giá vàng tăng vào ngày thứ Năm (19/01), được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu và một số nhu cầu trú ẩn an toàn khi số liệu kinh tế Mỹ yếu kém và những nhận định “diều hâu” từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay tăng 1.5% lên 1,932.40 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai tăng 1.41% lên 1,933.90 USD/oz.
Jeffrey Sica, Giám đốc điều hành của Circle Squared Alternative Investments, nhận định: “Có dòng tiền đổ vào các kênh trú ẩn an toàn. Vàng dường như hoạt động tốt hơn khi các thị trường suy giảm. Đồng USD suy yếu và đó là một trong những lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến sự phục hồi của vàng, điều mà tôi nghĩ rằng nó sẽ tăng tốc từ đây”.
4. Ngoại hối
Chỉ số đồng đô la ( DXY) bất chấp 1 loạt những phát biểu mang tính " diều hâu" của các quan chức FOMC
Đồng USD dao động gần mức thấp nhất trong 8 tháng sau khi một loạt dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang mất đà và có thể hướng tới suy thoái. Kết phiên, Chỉ số DXY giảm 0.36% xuống 101.83 điểm
DXY giảm cho thấy sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chính trong rổ tiền tệ cũng bị suy yếu:
EURUSD: + 0.34%
GBPUSD: + 0.36%
USDCAD: - 0.21%
USDJPY: - 0.35%