Tổng hợp tin tức cho ngày 31/01 hãy cùng TP Academy cập nhật nhanh bản tin thị trường ngoại hối và chứng khoán quốc tế ngày hôm nay. Từ đó có kế hoạch giao dịch cho phù hợp nhé !
1. Dữ liệu Kinh tế
Bắc Mỹ
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng theo khảo sát của Conference Board được dự báo đạt mức 109 trong tháng 1 – cải thiện nhẹ so với mức 108,3 của tháng 12. Việc lạm phát tiêu dùng tại Mỹ dần hạ nhiệt và các kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất là những yếu tố tác động tích cực tới tâm lý người tiêu dùng.
Châu Âu
GDP của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý IV được dự báo ghi nhận mức giảm theo quý là 0,1%, sau khi đã tăng nhẹ 0,3% trong quý trước. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của khối được dự báo ghi nhận mức tăng 1,8% - thấp hơn mức 2,3% trong quý trước đó. Lạm phát ở mức cao được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng và các đợt nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là những yếu tố gây sức ép lên nền kinh tế châu Âu, khiến tốc độ tăng trưởng suy giảm.
Một nền kinh tế lớn trong khu vực là Italy cũng được dự báo ghi nhận sự giảm tốc đáng kể với mức tăng trưởng trong quý IV đạt 1,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 2,6% trong quý III.
Tại Pháp tỷ lệ lạm phát tháng 1 theo ước tính sơ bộ được dự báo tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5,9% trong tháng 12. Điều này cho thấy diễn biến lạm phát tại Pháp vẫn khá phức tạp, do sự gia tăng của giá năng lượng.
Tại Đức, thị trường việc làm được dự báo ghi nhận sự cải thiện nhẹ, với số việc làm tăng 5 nghìn vị trí trong tháng 1, sau khi đã giảm 13 nghìn vị trí trong tháng 12/2022. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức 5,5%.
Châu Á
Sự tập trung của giới đầu tư sẽ đổ dồn vào các số liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất trong tháng 1 được dự báo sẽ đạt mức 49,8 – tăng đáng kể so với mức 47,0 của tháng 12/2022, và tiến gần mức 50 – ngưỡng phân tách giữa thu hẹp và mở rộng hoạt động. Việc các biện pháp phòng dịch được nới lỏng đã tạo điều kiện để ngành sản xuất Trung Quốc được phục hồi, tuy nhiên, hoạt động của ngành vẫn bị thu hẹp trong tháng 1 do ảnh hưởng từ số ca lây nhiễm tăng cao và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các chuyên gia dự báo, triển vọng phục hồi của ngành sản xuất Trung Quốc sẽ dần tích cực hơn trong các tháng kế tiếp, khi hoạt động của các nhà máy được nối lại bình thường.
Chỉ số PMI của ngành dịch vụ cũng được dự báo sẽ có sự cải thiện đáng kể, từ mức 41,6 trong tháng 12 lên 47,3 trong tháng 1. Mặc dù vẫn ở trong ngưỡng thu hẹp, hoạt động của lĩnh vực dịch vụ đã trở nên sôi động hơn nhiều nhờ sự thay đổi chính sách chống dịch và Tết Nguyên đán kích thích người dân chi tiêu tiêu dùng.
2. Chứng khoán Mỹ
Thị trường Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Hai (30/01), tạm dừng đà leo dốc tháng 1/2023 khi nhà đầu tư chuẩn bị cho tuần bận rộn nhất, của mùa báo cáo lợi nhuận và khả năng nâng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số công nghệ Dow Jones giảm 0.77% xuống 33,717.09 điểm . chỉ số S&P 500 giảm 1.3% xuống 4,017.77 điểm và cuối cùng là chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 1.96% còn 11,393.81 điểm.
Các cổ phiếu hàng đầu cũng đồng loạt quay đầu giảm điểm, điển hình: Tesla giảm 6.32% xuống 166.66 $/cp, NVIDIA giảm 5.91% xuống 191.62 $/cp, AMZN giảm 1.65% xuống 100.55 $/cp.
Công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông nằm trong số những lĩnh vực giảm mạnh nhất thuộc S&P 500. Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Meta Platforms và Alphabet lần lượt giảm 3% và 2.5%. Cổ phiếu của hãng chất bán dẫn Advanced Micro Devices sụt 3.9%.
3. Thị trường Vàng - Dầu
Giá dầu giảm hơn 2% vào ngày thứ Hai (30/01), nối dài đà sụt giảm khi việc các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất sắp xảy ra đã gây áp lực lên nhu cầu và xuất khẩu dầu của Nga vẫn mạnh.
Khép phiên giao dịch ngày hôm qua, Giá dầu WTI giảm 2.23% còn 77.90 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong gần 4 tuần. Giá dầu Brent giảm 2.03% xuống 84.90 USD/thùng.
Thị trường cũng chịu áp lực từ những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dồi dào của Nga bất chấp lệnh cấm của Liên minh châu Âu và mức trần giá của G7 áp đặt do cuộc xung đột với Ukraine. Cả 2 giá dầu trong tuần trước đều ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần.
Giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/01), khi nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tuần này trong bối cảnh kỳ vọng tốc độ nâng lãi suất chậm lại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, giávàng giao ngay giảm 0.2% xuống 1,924.05 USD/oz. Giá vàng tương lai giảm 0.3% còn 1,922.9 USD/oz.
Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Cách mà Fed đưa ra câu chuyện đó sẽ phản ánh trên thị trường vàng”.
“Bức tranh tổng quát ở đây là nếu Fed giảm tốc độ nâng lãi suất, lạm phát sẽ tăng trở lại. Nếu Fed tạm dừng một chút và lạm phát vẫn còn – tôi nghĩ trong kịch bản đó, vàng sẽ tăng”, ông Pavilonis nói.
Vàng, vốn không đem lại lợi suất, có xu hướng được hưởng lợi khi lãi suất thấp vì làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữu kim loại quý.
4. Ngoại hối
Chỉ số DXY tăng 0.3% lên 102.05 điểm sau khi đóng phiên thứ Hai( 30/1) khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn dự kiến trong quý IV, cho thấy nước này vẫn kiên cường bất chấp lạm phát cao và lãi suất tăng.
Thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,75% trong cuộc họp vào rạng sáng thứ Năm theo giờ VN. Nhưng trọng tâm sẽ tập trung chủ yếu vào dự báo của ngân hàng trung ương về chính sách tiền tệ, do dữ liệu gần đây tạo nên một bức tranh hỗn hợp về nền kinh tế Mỹ.
Tỷ giá của 1 số cặp tiền chính so với đồng đô la sau khi đóng phiên :
EURUSD: - 0.15%
GBPUSD: - 0.32%
AUDUSD: - 0.47%
USDJPY: + 0.44%
USDCHF: + 0.47%
USDCAD: + 0.56%