Bình luận

Đây sẽ là một tuần mà lịch trình kinh tế không quá sôi động, nhưng vẫn có nhiều diễn biến buộc thị trường cần cân nhắc sau đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi tuần trước, và các số liệu vượt dự kiến trong bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố hôm thứ Sáu (3/2). Bên cạnh đó, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) chuẩn bị tăng lãi suất thêm một lần nữa, trong khi dữ liệu được công bố tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tại Anh cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ.

1. Dữ liệu Kinh tế

Bắc Mỹ

Báo cáo việc làm tăng mạnh hơn nhiều so với dự kiến của Mỹ được công bố vào thứ Sáu tuần trước buộc các nhà đầu tư phải điều chỉnh kỳ vọng về các chính sách diều hâu của FED trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Do đó, sự tập trung của thị trường sẽ đổ dồn vào bài phát biểu của Chủ tịch FED Powell trong ngày thứ Ba.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ được công bố vào thứ Sáu tuần trước, nền kinh tế nước này đã tạo thêm 517 nghìn việc làm trong tháng 1, gần gấp ba lần so với dự kiến.

Cũng trong tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận đã có tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng dữ liệu việc làm cao bất ngờ có khả năng khiến ngân hàng Trung ương Mỹ phải tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian dài hơn.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại rằng việc tăng lãi suất mạnh mẽ của FED sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Một báo cáo cập nhật về thị trường lao động liên quan đến số lượng đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ được công bố vào thứ Năm, trong khi một số quan chức FED khác dự kiến sẽ phát biểu trong tuần này, bao gồm Chủ tịch FED chi nhánh New York John Williams, Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari và Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta Raphael Bostic.

Châu Âu

Bình luận của các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhận được nhiều sự chú ý, sau khi ECB tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào thứ Năm tuần trước và cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng Ba. Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã trích dẫn việc lạm phát cơ bản tăng cao để giải thích lý do ECB vẫn phải tiếp tục hành động.

Vào thứ Năm, Đức sẽ công bố dữ liệu lạm phát tháng 1, vốn đã bị trì hoãn trong tuần trước. Các số liệu dự kiến sẽ cho thấy, đà tăng giá cả tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng tốc trở lại.

Trước đó, vào thứ Hai, Đức cũng sẽ công bố dữ liệu về số lượng đơn đặt hàng của các nhà máy, tiếp đó là báo cáo về sản xuất công nghiệp sẽ được công bố vào thứ Ba.

Vào thứ Sáu, Anh sẽ công bố dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dự kiến, các số liệu sẽ cho thấy nền kinh tế Anh đã đi ngang trong quý IV, tránh được suy thoái trong gang tấc.

Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho biết nước Anh vẫn sẽ rơi vào một cuộc suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, mức độ suy thoái có thể sẽ nhẹ hơn so với lo ngại trước đây, chủ yếu là do giá năng lượng đã giảm và lãi suất thị trường thấp hơn kỳ vọng.

Vào thứ Năm tuần trước, BOE đã tăng lãi suất trong cuộc họp thứ mười liên tiếp, tuy nhiên giới hoach định chính sách cũng cho biết, tình hình cuộc chiến chống lạm phát đang dần thay đổi.

Nền kinh tế Anh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài. Ngoài ra, nền kinh tế nước này cũng đã phải chịu sự sụt giảm lớn về quy mô lực lượng lao động cùng với đầu tư kinh doanh thấp và tăng trưởng năng suất yếu thời kỳ hậu Brexit.

Châu Á

Thị trường đang mong đợi một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm % của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) sau khi lạm phát của nước này trong quý trước tăng lên mức cao nhất trong 33 năm, bất chấp chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của RBA.

Các dữ liệu kinh tế khác của nước này cũng phát đi những tín hiệu đáng lo ngại, khi doanh số bán lẻ ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, trong khi giá nhà giảm mạnh nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, triển vọng của đồng đô la Australia không bị ảnh hưởng trước những tác động trên. Nếu việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 diễn ra đúng hướng, giá trị của đồng đô la Australia sẽ tăng cao.

2. Chứng khoán Mỹ

Thị trường Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Sáu (03/02) khi báo cáo việc làm mạnh mẽ khiến một số nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Tuy nhiên, S&P 500 ghi nhận tuần tăng thứ 4 trong 5 tuần đầu năm khi nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát giảm trong thời gian tới.

Cụ thể, Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số CN Dow Jones giảm 0.38% còn 33,926.01 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 1.04% xuống 4,136.48 điểm và cuối cùng là Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 1.59% xuống 12,006.95 điểm.

Tính chung cả tuần, S&P 500 tăng 1,62% và Nasdaq tăng 3,31%, đánh dấu 5 tuần leo dốc liên tiếp. Ngược lại, chỉ số CN Dow Jones giảm nhẹ 0,15%.

Các cổ phiếu hàng đầu nước Mỹ cũng bao trùm sắc đỏ trong phiên cuối tuần, điển hình: AMZN giảm 8.43% xuống còn 103.30$/cp, NVIDIA giảm 2.81% xuống 211$/cp, MSFT giảm 2.36% còn 258.35$/cp

3. Thị trường Vàng - Dầu

Giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước, sau khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ làm dấy lên lo ngại về lãi suất cao hơn và khi nhà đầu tư tìm kiếm chi tiết rõ ràng hơn về lệnh cấm vận sắp xảy ra của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm tinh chế của Nga.

Khép phiên giao dịch ngày thứ Sáu, Giá dầu WTI giảm 3.4% còn 73.22 USD/thùng, sau khi đã tiến lên 78 USD/thùng trước đó, Giá dầu Brent giảm 3% xuống 79.74 USD/thùng, sau khi tăng lên mức đỉnh trong phiên là 84.20 USD/thùng.

Nhà đầu tư đang chú ý đến diễn biến lệnh cấm vận ngày 05/02 của EU đối với các sản phẩm tinh chế của Nga, với việc các nước thành viên đang tìm kiếm một thoả thuận vào ngày thứ Sáu để ấn định giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga.

Điện Kremlin cho biết vào ngày thứ Sáu rằng lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hơn nữa trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tuần sau khi dữ liệu việc làm mạnh hơn dự báo của Mỹ làm gia tăng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục nâng lãi suất.

Kết phiên giao dịch ngày thứ Sáu 3/2, giá vàng giao ngay giảm 2.5% xuống 1,864.79 USD/oz, và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2022. Giá vàng tương lai giảm 2.7% còn 1,878.10 USD/oz

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định xu hướng dài hạn dự báo kim loại quý sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), một động lực cần chú ý là hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương. Số lượng vàng giao dịch lên tới 1.136 tấn trong quý I/2023, mức cao nhất kể từ năm 1967.

4. Ngoại hối

Chỉ số (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng vọt tăng 1,24% lên mốc 102,99 điểm vào phiên giao dịch cuối tuần, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm trong tháng 1, hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế, có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ buộc phải tiếp tục lộ trình tăng lãi suất sau khi tăng 25 điểm hôm thứ Năm

NHTW Anh và NHTW Châu Âu cũng nhóm họp và cùng điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ bản như dự đoán. Đồng bảng Anh và đồng Euro giảm điểm khi 2 NHTW kể trên có những phát biểu ám chỉ về khả năng tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay.

Tỷ giá của 1 số cặp tiền chính so với đồng đô la sau khi đóng phiên :

EURUSD: - 1.07%

GBPUSD: - 1.41%

AUDUSD: - 2.2%

USDCAD: + 0.65

USDCHF: + 1.4%

USDJPY: +1.97%