Sáng 29/12, sàn tiền số XT.com bất ngờ thông báo niêm yết (listing) đồng Pi (Pi Network). Đây là nền tảng mua bán đầu tiên hỗ trợ đồng tiền số nhiều tai tiếng này. Giá Pi trên sàn liên tục được đẩy lên các mốc mới. Từ gần 0 USD lúc lên sàn, có thời điểm tài sản này đạt mốc gần 24 USD. Liệu đây có phải cơ hội cho các "Pi thủ" không hay chỉ là trò chơi của "cá mập" ?

Thực tế đồng Pi mà XT.com mở lệnh không phải là token chạy trên blockchain Pi Network. Đây chỉ là một hình thức giao dịch nội bộ trên sàn, không thể nạp rút. Tài khoản Twitter @Piwhales, chuyên theo dõi Pi Network thông báo rằng token trên XT.com không liên quan đến mạng lưới dự án. Đồng thời, trang chủ, các tài khoản mạng xã hội của Pi Network không đưa tin về việc niêm yết này.
Hiện tại, cặp giao dịch Pi/USDT trên XT.com chỉ hỗ trợ mua/bán. Người dùng không thể nạp Pi từ ví tích trữ lên sàn. Đồng thời, Pi mua trên sàn này cũng không thể chuyển về ví tiền số cá nhân để lưu trữ.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuyển, người sáng lập quỹ đầu tư GTA, hình thức giao dịch này được các sàn nhỏ lẻ sử dụng từ lâu trên thị trường, hiện không còn quá phổ biến. “Cơ bản, sàn chỉ tạo ra một token tên Pi, gắn nó với dự án và ‘cá mập’ trên đó tự bơm giá”, ông Tuyển nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đông, người quản lý cộng đồng Saigon Tradecoin, cho rằng đồng Pi trên XT.com giống như một hình thức “ghi điểm”. Chuyên gia cho rằng loại tài sản tên Pi ở nền tảng này chẳng phải coin hay token, không liên quan đến công nghệ chuỗi khối.
Cả ông Tuyển và ông Đông đều cho rằng việc XT.com bất ngờ niêm yết, giao dịch Pi Network là vì mục đích quảng bá, lôi kéo thêm người dùng. Phía dự án công bố hồi tháng 6 rằng họ hiện có 35 triệu người dùng. Đa số khách hàng đang dùng điện thoại để “điểm danh”, nhận đồng Pi trên app.
Đây là lượng người dùng khổng lồ mà các sàn giao dịch muốn thu hút trong mùa đông tiền mã hóa. Ví dụ, XT.com hiện có khoảng 200.000 người giao dịch thường xuyên mỗi tháng và 7 triệu tài khoản đăng ký. Con số này thấp hơn nhiều mức của Pi Network.
Gần đây, sàn Huobi cũng thông báo trên trang web việc theo dõi hoạt động của Pi Network. Nền tảng này cho biết sẽ xem xét niêm yết Pi khi mạng lưới chính thức đi vào hoạt động. Theo nhiều chuyên gia trong mảng tiền mã hóa tại Việt Nam, việc Huobi quan tâm đến Pi Network là bởi hơn 35 triệu người dùng của mạng lưới này.

Theo thông báo của Huobi, điều kiện tiên quyết để PI được niêm yết lên sàn là thành công nâng cấp phiên bản Mainnet.
Trên thực tế, Pi Network đã cho ra mắt phiên bản mainnet vào 28/12/2021 nhưng phiên bản mainnet này vẫn còn nhiều điểm hạn chế về công năng sử dụng. Chỉ những người sở hữu PI và đã nhận được PI về ví thì mới có thể trao đổi giao dịch với nhau.
Trong khi đó, phiên bản mainnet mà Huobi đang chờ đợi là Open Mainnet - phiên bản người dùng Pi Network có thể kết nối với các ví cũng như các mạng lưới Blockchain khác.
Do đó, Huobi có thể đang nhìn về phía cộng đồng đông đảo mà Pi Network đang sở hữu, và chờ đợi Pi Network hoàn thiện về mặt công nghệ.
Pi đang ở bước nào của quy trình listing lên sàn giao dịch?
Sàn giao dịch là nơi giúp cho tài sản có thể dễ dàng tiếp cận đến tay những nhà đầu tư trên thị trường và càng đặc biệt hơn nữa đối với những sàn giao dịch thuộc top đầu thị trường thì càng có nhiều người dùng đang trong tư thế sẵn sàng mua bán ở trên đó.
Vì vậy, được niêm yết coin/token lên sàn giao dịch có thể nói là mục tiêu quan trọng của phần lớn dự án trên thị trường. Thông thường những dự án chưa đủ uy tín và tiềm lực tài chính nhưng muốn "lên sàn" ngay, họ có thể chọn sàn tập trung không nằm trong top đầu, hoặc đưa token lên các sàn phi tập trung. Với những dự án tốt, họ thường ưu tiên list token lên những sàn hàng đầu như Binance.
Để bảo vệ người dùng và chính uy tín của mình, các sàn giao dịch tập trung (CEX) thường có một quy trình kiểm định và đánh giá nghiêm ngặt. Sàn giao dịch càng lớn, điều kiện và thủ tục sẽ càng phức tạp, nhưng về tổng quan sẽ gồm 6 giai đoạn:
- Nghiên cứu và lựa chọn sàn giao dịch phù hợp để yêu cầu niêm yết.
- Cung cấp những thông tin cơ bản cho sàn.
- Chờ đợi phản hồi từ sàn (quá trình thẩm định bắt đầu từ đây).
- Đàm phán về phí niêm yết.
- Quyết định chính thức Có hay Không niêm yết từ sàn.
- Sau khi được niêm yết, dự án cần phải đảm bảo vẫn luôn hoạt động, phát triển. Nếu dự án không đáp ứng được những cập nhật tình hình hoạt động hoặc những yêu cầu báo cáo định kỳ từ sàn và kể cả khối lượng giao dịch của đồng Coin đó giảm ⟹ Sàn sẽ đơn phương hủy bỏ niêm yết tài sản đó.
Cụ thể hơn, ở bước cung cấp thông tin cơ bản cho sàn, dự án sẽ gửi form đăng ký yêu cầu niêm yết thông qua việc trả lời một số câu hỏi điển hình như:
- Thông tin cơ bản của dự án: tên dự án, mã coin/token, website, địa chỉ token, số lượng holder, white paper, thông tin thành viên team...
- Dự án thuộc mảng nào: DeFi, NFT, Game, Stablecoin, Platform Blockchain, Bridge...
- Dự án đang ở giai đoạn nào? (Testnet hay đang Mainnet. Nếu chưa mainnet thì kế hoạch mainnet là khi nào?)
- Chấp nhận ký bảo mật thông tin về kế hoạch niêm yết lên sàn. (Đây là một yêu cầu mà độc giả không chắc chắn sàn nào cũng đòi hỏi nhưng với sàn Binance - sàn Top 1 của thị trường có thể tạo ra FOMO rất lớn và để tránh tình trạng giao dịch nội gián, Binance bắt buộc dự án phải giữ kín thông tin này).
- Thông tin Tokenomics: tổng cung, cung lưu hành hiện tại, market cap, tiêu chuẩn mã Coin/Token (ERC20, BEP20...).
- Số lượng người dùng hoạt động mỗi ngày (DAU), số lượng người dùng hoạt động mỗi tháng (MAU).
- Cung cấp Roadmap - lộ trình phát triển của dự án.
- Thông tin về các bên đối tác có hỗ trợ cho của dự án.
Đây là những câu hỏi mang tính cam kết và khẳng định dự án đang mang lại một sản phẩm thật và có người dùng thật sự nhằm hạn chế tối đa niêm yết phải những dự án lừa đảo.
Điền form gửi đơn yêu cầu niêm yết hoàn thành nhưng không có nghĩa mọi thứ sẽ dừng ở bước này. Đây chỉ là bước thứ 2 trong tổng 6 bước để một token được niêm yết và duy trì giao dịch trên sàn.
Dựa trên những gì dự án kê khai, đội ngũ của sàn giao dịch cần phải giám định lại và thậm chí theo dõi một thời gian trước khi có một quyết định chính thức. Sau một thời gian xem xét, quyết định có thể Có hoặc Không hoặc thậm chí đòi hỏi dự án cung cấp bổ sung thêm thông tin khác.
Như vậy, có thể thấy thông báo của sàn giao dịch Huobi về kế hoạch xem xét niêm yết đồng PI hiện tại đang ở bước thứ 2. Vẫn còn một chặng đường dài để đi tới một quyết định chính thức từ Huobi, ít nhất cũng phải chờ đợi đến khi Pi Network mainnet thành công.
Thực tế, sau 3 năm vận hành, giá của Pi vẫn đang bằng 0, theo công bố từ trang chủ dự án. Đội ngũ cho biết việc quy đổi sang tiền pháp định hoặc các coin, token khác sẽ được thực hiện sau khi mainnet. Quá trình này bắt đầu từ tháng 6, với việc mainnet kín trong mạng lưới. Do đó, giá trị quy đổi của Pi vẫn chưa hình thành.
Vì vậy, việc đưa Pi đào từ điện thoại lên các sàn giao dịch như XT.com để bán là không khả thi. Ngoài ra, số tài khoản được KYC (xác minh danh tính), đủ điều kiện đưa đồng Pi từ điện thoại lên mạng mainnet mới đạt khoảng 1,5 triệu. Đây là một phần nhỏ của 35 triệu người dùng mà đội ngũ đã công bố.
Việc quy đổi, giao dịch Pi vẫn được thực hiện dưới dạng OTC (người dùng tự thương lượng, đồng thuận giá). Đồng thời, một số người quảng bá hoạt động mua bán hàng hóa, trả bằng đồng Pi. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.